Tộc ước

TỘC ƯỚC HỌ HOÀNG TUẤN

(Thôn nghĩa vy, xã Hoài thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

 PHẦN MỞ ĐẦU

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện Đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống họ hàng của dòng tộc Hoàng Tuấn –Thôn Nghĩa Vy, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, phù hợp với xã hội mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hoà giữa việc Tổ chức  sinh hoạt dòng Họ với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn Hoá  trên địa bàn khu dân cư “ Ông Bà,cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” Đo Đảng khởi xưởng, Nhà nước và UBMT Tổ quốc Việt nam phát động. Ngày … tháng ….  năm 2020( Nhằm 15 tháng Giêng năm Canh Tý) . Toàn Họ đã tiến hành Hội nghị kết hợp ngày giỗ Tổ. Dưới sự chủ tọa của Trưởng Họ Hoàng Tuấn Kiều, các thành viên Hội đồng gia tộc cùng toàn thể họ tộc. Hội nghị đã thảo luận bàn bạc và đi đến thống nhất  một số quy định về Tộc ước của dòng họ Hoàng Tuấn thôn Nghĩa Vy, xã Hoài Thượng bao gồm , gồm 5 chương 22 điều sau đây:

Chương I:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Tộc ước là các quy ước của Họ tộc được biên soạn trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và các quy định của chính quyền địa phương xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, do toàn bộ các thành viên trong dòng họ Hoàng Tuấn nhất trí thông qua. Mọi thành viên trong dòng họ đều có trách nhiệm thi hành.

Điều 2. Họ là một gia đình lớn. Mọi thành viên trong họ phải cố kết chặt chẽ với nhau. Quan hệ chung trọng nội tộc theo nguyên tắc dân chủ – tập trung. Quan hệ riêng giữa các thành viên lại theo nguyên tắc bề bậc- thế thứ, nhường nhịn, giúp đỡ nhau. Mọi người có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau.

Điều 3. Mọi người có quyền và trách nhiệm chăm lo việc họ dưới sự điều hành của Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc.

Điều 4. Họ là một gia đình lớn trong cộng đồng dân cư, phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mọi quy định của chính quyền địa phương, hăng hái tham gia các hoạt động chung của làng – xã, có quan hệ thân ái và bình đẳng với các dòng họ khác.

Chương II:
NHỮNG CÔNG VIỆC ĐỊNH KÌ VÀ THƯỜNG NIÊN CỦA HỌ

Điều 5. Các ngày giỗ, lễ:

– Giỗ Tổ vào ngày Mười Lăm tháng Giêng Âm lịch hàng năm (theo quy định chung của cả làng Nghĩa Vy, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

– Lễ cúng Tổ vào các ngày ……… (ngày kỵ ………………………..), thanh minh và rằm tháng Bảy

Điều 6. Quản lý mộ Tổ: là trách nhiệm của toàn Họ, trực tiếp, thường xuyên là Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc. Nếu thấy có sự xâm hại phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kể cả biện pháp xử lý.

Điều 7. Quản lý nhà thờ và tài sản chung: (nếu mai kia dòng họ Hoàng Tuấn có xây dựng được nhà thờ họ): là trách nhiệm của toàn Họ, trực tiếp, thường xuyên là Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc.

Nhà thờ chỉ giành riêng cho việc thờ cúng Tổ tiên và hội họp của Dòng Họ. Không ai được dùng nhà thờ vào bất cứ mục đích nào khác. Nhà thờ phải được giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng thường xuyên. Trong nhà thờ chỉ được bày đặt đồ thờ và cất giữ những tài sản của Dòng Họ. Đồ thờ phải được giữ nguyên vị trí đã xắp đặt. Mọi sự thay đổi, bổ xung đồ thờ phải được sự đồng ý của Trưởng Họ. Nhà thờ chỉ được mở cửa vào dịp giỗ Tổ, dịp Tết Nguyên Đán, các ngày mồng một và rằm hàng tháng; khi họp họ và khi có người trong họ qua đời hoặc khi trong họ có người ở nơi xa về lễ bái. Khi nhà thờ mở cửa phải có người trông coi. Mọi tài sản của Họ, kể cả đồ thờ, phải được đăng ký vào sổ kê biên, (tiền mặt có sổ ghi chép riêng) và kiểm tra thường xuyên định kỳ. Nếu để mất mát, hư hỏng, tuỳ theo lỗi, người trực tiếp quản lý có thể phải bồi thường.

Trong khi chưa xây dựng được nhà thờ họ thì toàn bộ các hoạt động của dòng họ như: Hội họp, cũng giỗ cũng như tổ chức các nghi thức khác đều được tiến hành tại nhà ông trưởng họ.

Điều 8. Gia phả

Gia phả và các tài liệu khác của Họ đã được xác định, là tài sản vô giá, phải được bảo quản chu đáo không được để hư hỏng, mất mát. Không được tự ý cho mượn, nếu không được sự đồng ý của Hội đồng gia tộc. Không được tự ý tẩy xoá, hoặc bổ xung. Gia phả chỉ được in chính thức 3 bản. Bản chính do Trưởng Họ giữ. Các bản sao do các chi giữ. Riêng Tộc Ước in phát đến các gia đình lớn để phổ biến và thực hiện.

Hiện gia phả dòng họ chưa được lập nên sau này khi xây dựng xong gia phả sẽ thực hiện như trên.

Chương III:

TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VIỆC HỌ

Điều 9. Điều hành việc Họ, trước hết là trách nhiệm của Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc. Việc tổ chức các sự kiện của dòng họ do ban khánh tiết đảm nhiệm.
Chức năng nhiệm vụ của Trưởng Họ:
          Chức năng: Là người có quyền cao nhất trong dòng họ, là người đại diện cho dòng họ để triển khai các hoạt động của dòng họ cũng như thực hiện các giao tiếp với các dòng họ khác và với các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương.

Nhiệm vụ cụ thể:

– Trực tiếp trông coi nhà thờ, quản lý mọi tài sản của Họ (khi chưa có nhà thờ thì quản lý, trộng coi bàn thờ tổ). Riêng tài sản chính, Hội đồng gia tộc lập ra một Ban để giúp Trưởng Họ quản lý;
– Thường xuyên hương khói Tổ tiên, trông nom mộ Tổ;
– Quản lý gia phả và các tài liệu khác về lịch sử Dòng Họ (nếu có);
– Chủ trì tổ chức giỗ Tổ hàng năm và cúng Tổ vào các ngày quy định;
– Chủ trì giải quyết các công việc thường xuyên của Họ và giữ mối liên hệ chung trong toàn Họ;
– Đề xuất các công việc của Họ hàng năm và tổ chức thực hiện khi đã có quyết định chung.

Điều 10. Trưởng Họ phải luôn phấn đấu xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ, cùng sự trông cậy của toàn Họ. Trưởng Họ phải là hạt nhân cố kết Dòng Họ; luôn phải chú ý tập hợp, tổ chức chăm lo việc Họ; chống biểu hiện gia trưởng, độc đoán, chia rẽ, bè phái…. .Vì một lý do nào đó, Trưởng Họ không thể đảm đương nổi công việc, thì giao quyền cho người kế vị và báo cho toàn Họ biết. Trường hợp Trưởng Họ đi vắng dài ngày, người kế vị đương nhiên phải thay thế.

Điều 11. Hội đồng gia tộc

Được toàn Họ nhất trí thành lập, gồm các trưởng Họ, các Trưởng Chi và một số người có năng lực, có nhiệt tình và uy tín khác.
Chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng gia tộc
Chức năng: Hội đồng gia tộc vừa là tham mưu, vừa là người giúp Trưởng Họ điều hành việc Họ.
Nhiệm vụ:
– Giúp Trưởng Họ thực hiện những nhiệm vụ nói trên, ngoài ra Hội đồng gia tộc còn có quyền và nhiệm vụ sau đây:
– Quyết định những công việc lớn của Họ như kiến thiết nhà thờ, mộ Tổ; soạn thảo, bổ sung gia phả; việc đóng góp quỹ Họ, quản lý quỹ Họ, vào sổ Họ và Tư vấn xét nhập Họ…;
– Tổ chức thăm viếng người ốm đau, hoạn nạn hoặc qua đời;
– Thay mặt Họ trong quan hệ với các dòng họ khác và với các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương.

Điều 12. Ban khánh tiết.

Ban khánh tiết do Hội đồng gia tộc chỉ định, thành viên gồm từ 2 đến 3 nam thanh niên trong Họ có tuổi đời dưới 50, tháo vát, nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiệm kỳ của các thành viên ban Khánh tiết là 1 năm (tính từ giỗ tổ năm này đến giỗ tổ năm tiếp theo), hết nhiệm kỳ, bàn giao lại cho ban Khánh tiết nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhiệm vụ:

– Bảo đảm trang trí, khánh tiết, tăng âm, loa dài, băng rôn, khẩu hiệu… cho các ngày dòng Họ tổ chức sự kiện;

– Vệ sinh, lau rọn bàn thờ và các vật thờ phụng, nhà thờ (khi có nhà thờ) trước các sự kiện của dòng họ;

– Bảo đảm ăn uống cho Họ khi tổ chức các sự kiện trong năm;

– Thanh quyết toán ngân sách sử dụng sau mỗi sự kiện với thủ quỹ của Họ (trong Hội đồng gia tộc).

Chương IV:
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG DÒNG HỌ

 

Điều 13.  Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong Họ

Quyền.

– Mọi thành viên trong Họ (nội, ngoại, dâu, rể) đều có quyền tham gia ý kiến trong những buổi họp của Họ, hoặc chuyển đề nghị của mình về Hội đồng Gia tộc.

– Được khen và ghi công đúng theo sức đóng góp cho Tộc.

Nghĩa vụ đối với Gia tộc.

– Tùy hoàn cảnh và điều kiện sống mà có đóng góp theo nghĩa vụ và tự nguyện nhằm xây dựng các công trình của Họ đề ra và đã được thống nhất cao trong toàn Họ.

– Trong 5 năm, người nào góp cho quỹ Họ tương đương 1 lượng vàng (nhằm gánh vác giúp nghĩa vụ đối với tộc cho các gia đình quá khó khăn) sẽ được ghi danh vào Sổ Vàng truyền thống .

– Hằng năm góp tối thiểu ………….. đ (………………………) để cúng. Thu theo hộ theo đinh hiện có như sau :

*Thu nộp  ………đ/hộ/năm đối với các hộ nghèo theo chuẩn của nhà nước.

*Thu nộp  ……… đ/đinh/năm đối với các hộ có mức sống trên chuẩn nghèo của nhà nước.

*Thu nộp không hạn chế các gia đình giàu tâm huyết với họ,và có ý thức xây dựng gánh vác việc họ  kể cả đột xuất lẫn định kì.

Mọi người được sinh ra từ Dòng Họ Hoàng Tuấn (cả trai và gái) đều phải luôn ghi nhớ gốc tích của mình; ghi nhớ công đức của Tổ tiên; dù hoàn cảnh nào cũng phải sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Dòng Họ; không được làm điều gì mang tiếng xấu cho Dòng Họ; ngược lại, còn phải luôn phấn đấu góp phần làm cho Dòng Họ rạng rỡ hơn lên.

Điều 14. Xây dựng gia đình theo tiêu chí gia đình văn hoá. Hôn nhân một vợ một chồng. Nghiêm cấm kết hôn với người cùng Họ. Mọi gia đình phải nuôi dạy con chu đáo, phấn đấu nâng cao trình độ học vấn; giữ gìn nề nếp gia phong, kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Ông, bà, cha, mẹ phải sống mẫu mực, không làm điều gì mang tiếng xấu cho con cháu; theo phương châm: “Tre già để gốc cho măng”.

Nghiêm cấm: tệ nghiện rượi; dùng các chất ma tuý; dâm ô truỵ lạc; cờ bạc dưới mọi hình thức; tệ nạn xã hội; tham gia các đảng phái có tính chất chống đối Đảng, chính quyền…

Điều 15. Việc xưng hô giữa những người trong họ phải theo đúng thứ bậc. Không đặt tên con trùng với tên các Cụ Tổ và các Cụ bậc trên.

Điều 16. Mọi người thuộc nội tộc, dù theo tôn giáo nào cũng phải thờ cúng tổ tiên, cố gắng về giỗ tổ hàng năm. Mọi người khi sinh con ( trai hay gái ) hay cưới vợ, lấy chồng, thành đạt…đều phải trình báo để ghi vào sổ Họ ( có lễ hay không là tuỳ tâm và tuỳ hoàn cảnh)

Điều 17. Từ ngày tộc ước này có hiệu lực, các con trai được sinh ra đều phải khai sinh đúng họ Hoàng Tuấn đứng trước tên và chữ đệm khác (nếu có).

Điều 18. Mọi người trong Họ đều được toàn Họ quan tâm giúp đỡ về mọi mặt; khi ốm đau được thăm hỏi. (Nếu phải nằm viện hoặc ốm đau nặng tại nhà thì có quà, trị giá theo từng thời điểm). Khi qua đời, Họ có vòng hoa , lễ viếng và tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi đi đưa tang, mọi người đều đội khăn tang. Những người sống 70 tuổi trở lên, cứ 10 năm được Họ tặng quà một lần, giá trị quà tặng tùy theo từng năm nhưng các năm không vượt quá giá trị năm trước 30%; không phải đóng góp các loại quỹ, kể cả tiền ăn trong các sự kiện của Họ. Những cụ sống trên 100 tuổi mỗi năm được Họ tặng quà một lần vào dịp Giỗ Tổ.

Điều 19.  Trai hay gái là con cháu tộc Hoàng Tuấn sau khi làm khai sinh, sau đám cưới, cha mẹ gởi bản photocopy khai sinh, giấy hôn thú về Hội đồng Gia tộc để đưa vào Gia phả. Trường hợp con ngoài giã thú, nếu cha mẹ đôi bên muốn xin tộc thừa nhận và có hai người trong tộc xác nhận (bằng văn bản) thì thủ tục như đã nêu ở trên;

Con cháu trong Họ tộc khi tổ chức thành hôn, Gia đình có trách nhiệm đưa đôi tân hôn đến nhà thờ tổ (nhà Trưởng Họ khi chưa có nhà thờ Tổ), dâng hương bẩm báo Tổ tông ghi ơn công đức. Nếu có công đức được ghi vào sổ vàng công đức. Khi có ngưòi trong Họ tộc về già quy tiên, Gia đình tang chủ có trách nhiệm báo cho Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc để cùng lo tang lễ.

Những người con gái Họ Hoàng Tuấn: Khi mới sinh ra được vào sổ Họ. Khi có gia đình được ghi vào gia phả cả tên chồng và tên một người con. Mọi người con gái không phải góp quỹ Họ, không phải bắt buộc về giỗ Tổ. Nhưng nếu họ tự nguyện về giỗ Tổ hoặc góp quỹ Họ thì được nhiệt liệt hoan nghiênh. Tiền – của đóng góp đó được ghi vào “sổ vàng cúng tiến” của Họ. Khi ốm đau hoặc qua đời được Họ thăm, viếng. Người con gái Họ Hoàng Tuấn, vì lý do nào đó (không lấy chồng hoặc ở vậy sau ly hôn…) nếu tự nguyện xin làm thành viên nội tộc sẽ được toàn Họ xem xét, chấp thuận.

Những cá nhân và Gia đình thành đạt, nếu có nguyện vọng tri ân Tổ tiên cũng có quyền được dâng hương khuyến cáo vào bất cứ khi nào sau khi đã thông báo cho Trưởng Họ và Hội đồng gia tộc.

Những kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, nhà khoa học, các quân nhân QĐ, công an, các trưởng phó cấp xã, Trưởng phó phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên, các giám đốc, chủ doanh nghiệp, các đảng viên ĐCSVN được ghi tên trong sổ vàng danh dự.

Điều 20. Người họ khác xin gia nhập Họ Hoàng Tuấn sẽ được toàn Họ xem xét. Nếu được chấp thuận, phải làm thủ tục thay đổi hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật.

Chương V:

THU CHI QUỸ HỌ:

Điều 21. Thu, chi quỹ họ:

Nguồn thu quỹ Họ:
– Từ sự đóng góp theo định suất của từng thời kỳ, do toàn Họ quyết định;
– Từ sự hảo tâm cung tiến của con cháu nội, ngoại tộc.

Các nội dung được chi:

– Mua sắm đồ lễ, đồ thờ, xây dựng, tôn tạo nhà thờ, ban thờ…; cung tiến đình chùa của làng (nếu có)

– Chi khánh tiết hàng năm (trang trí, khánh tiết, ăn uống trong ngày giỗ Tổ);

– Thăm hỏi, tặng quà người ốm, chúc thọ người cao tuổi, phúng viếng người qua đời trong ngoài họ; tặng quà các cháu đạt danh hiệu từ học sinh tiên tiến trở lên trong năm học;

Điều 22. Quản lý thu – chi quỹ Họ

Quản lý, thu chi quỹ Họ phải theo đúng nguyên tắc tài chính: Ban quản lý tài chính phải ít nhất có 2 người (ban Tài chính là người trong thành viên Hội đồng gia tộc), có sổ sách thu chi rõ ràng; chi đúng mục đích. Những khoản lớn phải do tập thể quyết định. Hàng năm phải có thanh toán và báo cáo thu chi trước toàn gia tộc.

Tộc ước này do toàn Họ biểu quyết thông qua và thực hiện. Quyền sửa đổi, bổ sung chỉ được thực hiện khi Họ tổ chức Đại hội, lấy biểu quyết thông qua của các thành viên trong Họ với nguyên tắc quá bán (thiểu số phục tùng đa số).
Thông qua Hội đồng gia tộc lần cuối, Sau khi đã lấy ý kiến toàn Họ.

Hoài Thượng, ngày ……tháng ….. năm 2020.